ĐÔI ĐIỀU VỀ CHUYỆN TÊN LÀNG, TÊN XÃ

Thứ ba - 01/08/2023 21:13
Bài viết của đồng chí Phan Tiến Hải – Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Nghĩa Đàn

  TỪ CHUYỆN ĐẶT TÊN CON

  Bất cứ gia đình nào, khi chuẩn bị đón đứa con chào đời thì ngoài lo cho chuyện “vượt cạn” thành công, lo cho “mẹ tròn, con vuông”… thì còn phải lo việc đặt tên cho đứa bé. Tên con được đặt sao cho nhiều người ưng, sao cho đẹp và có ý nghĩa hay là sao cho không trùng với những người thân… Một việc không đơn giản, bởi nó theo suốt cả một đời người và còn hơn thế nữa!

  ĐẾN CHUYỆN ĐẶT TÊN LÀNG, TÊN XÃ

  Từ xưa, tìm hiểu lại thì thấy rằng, hầu hết tên làng, tên xã ở Nghĩa Đàn được các cụ đặt đều có nghĩa, có lý do và chắc là được lựa chọn kỹ. Có thể tên làng được gắn với dãy núi, con suối, mó nước, gốc cây hay gắn với tên của các vị có công với nước, với làng, hay là ghép tên của quê xuôi với nơi di cư mới… Làng Cáo, làng Lung, làng Trù, bản Tồng Mòn hay xóm Lê Lợi, xóm Đông Hội, xóm Nghĩa Nhân… đã nói lên điều đó.

  Rồi tên xã của huyện Nghĩa Đàn, sau từ NGHĨA thì các từ được chọn để ghép thành tên xã đều đẹp và có nghĩa (kể cả tên các xã trước năm 1963 và trước năm 2008 – khi thực hiện việc chia tách Nghĩa Đàn để thành lập huyện Tân Kỳ, huyện Quỳ Hợp và thị xã Thái Hoà). Đó là kết quả của sự trăn trở, lựa chọn dày công của bao thế hệ đi trước.

 Thời gian qua, thực hiện chủ trương sáp nhập xóm, xã đã tạo nên nhiều khó khăn, vất vả, trong đó có chuyện đặt lại tên làng, tên xã sau khi sáp nhập.

 Một cuộc lựa chọn và thảo luận, thậm chí là tranh luận, bàn cãi gay gắt, không dễ ngã ngũ được ngay và khó thống nhất được liền. Nhiều người muốn rằng, sau khi sáp nhập thì phải giữ được tên cũ của xóm mình; không ít người thì đề nghị chọn một tên xóm mới sao cho có nghĩa; số thì lại muốn ghép tên của 2 hoặc 3 xóm cũ để làm tên chung… Bàn cho ra tên của xóm mới, ở nhiều nơi đã trở thành chủ đề chính, sôi nổi của nhiều cuộc họp, của nhiều người quanh ấm chè xanh. Xem ra, kết thúc những cuộc thảo luận ấy, tên của nhiều xóm sau sáp nhập nhận được sự đồng tình cao và đều có nghĩa theo chủ ý của những người đưa ra để lựa chọn.

 Rất may là, việc sáp nhập 3 xã Nghĩa Liên, Nghĩa Tân, Nghĩa Thắng (cũ) đặt tên mới là xã Nghĩa Thành đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đại đa số.

  VÀ, CÂU CHUYỆN SẮP TỚI

  Ngày 12/7/2023, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15. Theo đó, với huyện Nghĩa Đàn, dự kiến trước năm 2025 sẽ có 5 xã liên quan đến việc sáp nhập (đó là: Nghĩa Phú, Nghĩa Thọ, Nghĩa Hiếu, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Hưng) và trước năm 2030 sẽ có 10 xã, thị trấn liên quan đến sáp nhập (đó là: Nghĩa Sơn, Nghĩa Lâm, Nghĩa Hồng, Nghĩa Minh, Nghĩa Lợi, Nghĩa Lạc, Nghĩa Long, Nghĩa Lộc, Nghĩa Bình và thị trấn Nghĩa Đàn).

  Rất nhiều việc phải lo và phải làm. Từ việc sắp xếp tổ chức, bộ máy của cả hệ thống chính trị; việc tinh giản biên chế; việc giải quyết tài sản công gắn với chăm lo cơ sở vật chất cho hoạt động của các xã sau sáp nhập; việc định hướng cho sự ổn định và phát triển về mọi mặt…, thì việc lựa chọn và đặt tên cho các xã sau sáp nhập cũng là việc không thể coi nhẹ và cần phải được chú trọng.

  Người viết bài này thiết nghĩ: Tên xã sau sáp nhập nên bắt đầu từ NGHĨA để đảm bảo dễ nhận diện là xã thuộc huyện Nghĩa Đàn và cũng là để đồng bộ, thống nhất với tên của các xã còn lại; tên xã sau sáp nhập cũng không nên trùng với tên của các xã thuộc các huyện lân cận (Tân Kỳ, Quỳ Hợp và thị xã Thái Hoà) để tránh sự nhầm lẫn không đáng có; tên xã sau sáp nhập mà có ý nghĩa thì thật là hay.

  Theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 nói trên, việc đặt tên, đổi tên sau sáp nhập phải bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri. Đồng thời, trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp – Một sự định hướng và gợi ý có tính khuyến khích cho việc đặt tên xã sau sáp nhập rất quan trọng, thật hay và thật phù hợp với thực tế cho việc sáp nhập xã.

  Đôi điều trao đổi để mở ra câu chuyện cho những ai quan tâm và phải quan tâm đến vấn đề này cùng bàn bạc, lựa chọn và tạo nên sự thống nhất khi triển khai thực hiện một nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.

 Thiết nghĩ, việc chọn tên cho xã sau sáp nhập cũng đầy ý nghĩa như việc đặt tên cho đứa con mới chào đời vậy!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

bd1
Dịch vụ công trực tuyến
Công báo nghệ an
Thư điẹn tử
Hỏi đáp
Thông tin người phát ngôn
Thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật
Thông tin doanh nghiệp, cơ hội đầu tư
Thông tin các dự án và các hạng mục đầu tư
Quản lý văn bản
Thống kê
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay746
  • Tháng hiện tại1,441
  • Tổng lượt truy cập22,225
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây